MỤC LỤC
Củ sen Việt Nam xuất khẩu đi Nhật
Theo đó, container xuất khẩu trong Lễ công bố lần này 40feet chứa hàng củ sen đông lạnh IQF do Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tổ chức sản xuất tại huyện Tháp Mười, được vận chuyển để xuất từ cảng Cát Lái, TP.HCM và sẽ cập bến tại cảng Tokyo. Đây là container thứ 4 Sen Đại Việt chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng.
Đồng Tháp chú trọng phát triển ngành hàng sen
Trân trọng và tôn vinh giá trị của sen, một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025; Hội ngành hàng sen Đồng Tháp đã không ngừng nghiên cứu, khai thác trọn vẹn những sản phẩm của sen, hướng đến phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng Tháp định hướng phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh; đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Lễ công bố lô sen xuất khẩu sang Nhật Bản là hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp lần II/2024 diễn ra từ 16-19/5/2024, đây cũng là lô sen xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Đồng Tháp, tuy khối lượng không lớn (khoảng 15 tấn củ sen cấp đông), nhưng là tín hiệu tốt của thị trường xuất khẩu, qua đó ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Đồng Tháp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho Sen Đồng Tháp xâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.
Thời gian tới, cùng với những cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình thực thi các Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA, RECEP), hy vọng rằng nông sản của Đồng Tháp và đặc biệt là mặt hàng sen của Đồng Tháp sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn.
Thị trường xuất khẩu củ sen tiềm năng
Tại buổi Lễ, Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, cho biết loại củ sen này trồng ở miền Tây có thể trồng quanh năm, năng suất từ 5-7 tấn một vụ (4 tháng). Miền Tây có khoảng 3.000 ha trồng sen, song đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.
“Lợi thế của sen Việt Nam có thể trồng quanh năm trong khi tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc chỉ trồng được một vụ vào mùa hè”, ông Thắng nói và cho biết thị trường Nhật cần khoảng 100.000 tấn củ sen mỗi năm, trong khi Trung Quốc là hai triệu tấn.
Riêng trong năm 2024, Sen Đại Việt sẽ xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản trên là 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tiềm năng ở các thị trường này còn rất lớn.
Sen Đại Việt liên kết tiêu thụ nguyên liệu củ sen
Các vùng trồng sen tại tỉnh Đồng Tháp phần lớn là trồng sen lấy hạt. Với mong muốn giúp nông dân địa phương tạo ra nguồn nguyên liệu đa dạng từ cây sen, tăng thu nhập từ sen, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp, tháng 7/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ với diện tích 3ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bước đầu đã có những thành công nhất định, cung cấp nguồn nguyên liệu củ sen chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đi thị trường nước ngoài.
Hiện nay, nguyên liệu để sản xuất củ sen đông lạnh của Sen Đại Việt được thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với dung lượng thị trường củ sen đang còn rất lớn, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu. Tại buổi Lễ, Sen Đại Việt đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc LIÊN KẾT TIÊU THỤ với 2 đối tác trồng củ sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại & Dịch vụ Du lịch OCOP Non Sông Việt và Bà Ngô Thanh Thảo – Hộ dân đang canh tác trồng củ sen tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Hướng tới liên kết tiêu thụ bền vững giữa doanh nghiệp – người dân – doanh nghiệp.