Sen còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc đối với Việt Nam với tinh thần thanh cao, bền bỉ. Ngày 14/04, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cung cấp hạt sen giống (Nelumbo nucifera) – biểu tượng văn hóa Việt Nam – để nữ phi hành gia Amanda Nguyễn mang theo vào vũ trụ.
MỤC LỤC
Nữ phi hành gia gốc Việt mang hạt sen Việt Nam bay vào không gian
Nữ phi hành gia Amanda Nguyễn – người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ – cùng phi hành đoàn của Blue Origin mang theo 169 hạt sen bay vào không gian lúc 20h30 ngày 14/04 (giờ Hà Nội). Khoảng 10 phút sau khi phóng, tàu New Shepard hạ cánh an toàn xuống sa mạc Tây Texas với dù hỗ trợ. Khoang tàu mở cửa lúc 20h54 (giờ Hà Nội), các phi hành gia lần lượt bước ra an toàn, người đầu tiên là Lauren Sánchez.
Amanda sẽ bay vào không gian trên tàu New Shepard, từ Van Horn, Texas, Mỹ. Cùng Amanda trong sứ mệnh NS-31 là năm phi hành gia nữ: Aisha Bowe, nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas; Gayle King, nhà báo nổi tiếng; Katy Perry, ca sĩ và nhà từ thiện; Kerianne Flynn, nhà sản xuất phim và Lauren Sánchez, phi công trực thăng và nhà báo. Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay của Valentina Tereshkova năm 1963, thể hiện bước tiến trong bình đẳng giới trong ngành không gian.
Amanda Nguyễn là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức phi Chính phủ Rise. Cô sinh ra tại California. Amanda Nguyễn lớn lên với giấc mơ chinh phục các vì sao.
Chuyến bay được tài trợ bởi Space for Humanity, ghi nhận những đóng góp của cô trong giáo dục STEM, đồng thời tôn vinh di sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cung cấp hạt sen giống (Nelumbo nucifera) – biểu tượng văn hóa Việt Nam – để Amanda Nguyễn mang theo trong hành trình này.
Cột mốc quan trọng trong khám phá không gian và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Hành trình của 169 hạt sen lên không gian càng thêm ý nghĩa khi mang dấu ấn của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, với cái tên “lotus” gợi nhắc đến LOTUSat-1 – vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam, minh chứng cho tinh thần vươn xa của dân tộc trong kỷ nguyên không gian.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong buổi tổ chức gặp mặt Trung tướng Phạm Tuân – người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian đã nêu trong bài đăng sáng 15-4 về sự kiện này: “Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, hành trình của Amanda – đem theo những hạt sen từ Việt Nam vào quỹ đạo – không chỉ là một cột mốc. Đó còn là biểu tượng cho chặng đường mà hai nước đã đi qua và tương lai hai nước cùng nhau hướng tới”
Vì sao hạt sen được chọn cùng nữ phi hành gia gốc Việt bay vào không gian?
Hạt sen giống được chọn từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những hạt sen này sẽ trở về sau sứ mệnh để mở ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.
Đây là một phần của chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nhằm đánh giá tác động của môi trường không gian đối với sự nảy mầm và phát triển của thực vật.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, đơn vị cung cấp 169 hạt sen giống cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để đưa vào không gian cho biết, việc lựa chọn hạt sen (Nelumbo nucifera) để mang lên không gian dựa trên nhiều yếu tố khoa học và văn hóa.
Hạt sen nổi tiếng với khả năng bảo quản trong thời gian rất dài mà vẫn duy trì được khả năng nảy mầm. Đã từng có nghiên cứu cho thấy hạt sen có thể nảy mầm sau hàng trăm năm, nhờ cấu trúc vỏ hạt bền vững, chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt – điều này rất phù hợp để nghiên cứu tác động của không gian lên vật liệu di truyền lâu bền.
Sen là loài thực vật có giá trị cao về dinh dưỡng, dược liệu và sinh thái học, nên kết quả nghiên cứu có thể mở rộng sang nhiều hướng như thực phẩm không gian, dược phẩm sinh học hoặc cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.
Sen còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc đối với Việt Nam với tinh thần thanh cao, bền bỉ. Do đó, việc chọn hạt sen mang lên vũ trụ còn mang ý nghĩa biểu tượng cho khoa học Việt Nam vươn ra thế giới, và cho người Việt Nam ở nước ngoài như phi hành gia Amanda Nguyễn kết nối với cội nguồn.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, 169 hạt sen được chọn lần này không phải là sen thông thường, mà là những hạt giống đã qua tuyển chọn kỹ lưỡng từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với những đặc điểm nổi bật như:
- Hạt sen được chọn từ các dòng sen bản địa có khả năng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt, giàu dinh dưỡng và có đặc tính hình thái ổn định.
- Những hạt sen này thuộc các dòng có tỉ lệ nảy mầm cao, dễ thích nghi trong điều kiện bất lợi, phù hợp để quan sát sự biến đổi sinh lý, sinh hóa và di truyền sau khi tiếp xúc với môi trường không gian.
- Kết cấu vỏ hạt và kích thước ổn định giúp dễ bảo quản, dễ phân tích và theo dõi thay đổi hình thái sau khi quay trở về Trái đất.
Thời gian tới, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và lan tỏa giá trị khoa học đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, nhằm khơi dậy đam mê khám phá không gian.
Nguồn: Tổng hợp