Trời còn mờ sương, chú Sáu đã chống xuồng ra đồng sen. Gió sáng thổi mát rượi, mặt nước lấp lánh ánh bình minh. Nhìn đồng sen ngút ngàn, gương tròn, hạt chắc, lòng chú rộn ràng. Hôm nay nhà thương lái hẹn sẽ ghé sớm, thu mua nguyên đám gương vừa độ tuổi. Chú tranh thủ hái cho kịp.
Sáng sớm, điện thoại reo, giọng thương lái bên kia nói nhanh:
“Gương đẹp lắm chú ơi, bữa nay giá 28 ngàn một ký nghen, chú cứ hái nhiều vô.”
Chú Sáu gật đầu, dạ một tiếng nhẹ bẫng, rồi bắt đầu công việc.
Mồ hôi thấm áo, nước lạnh ngấm chân, chú và vợ cặm cụi đến tận trưa. Mỗi gương sen được chọn lựa kỹ, gương chín tới, không sâu, không non. Tưởng đâu trưa nay sẽ được một chuyến trúng mùa – trúng giá. Nhưng…
Đến lúc cân hàng, thương lái lại nói:
“Chú ơi, thị trường dội hàng rồi. Sáng còn 28 ngàn, giờ chỉ còn 22 thôi nghen, chú thông cảm.”
Chú nhìn đống gương vừa hái, nhìn đôi tay nhăn nheo của vợ mà nghẹn lời. Không bán thì biết làm sao? Để lâu thì gương héo. Còn cãi giá thì sợ mai không ai tới mua nữa…
Chuyện này không phải lần đầu. Người trồng sen tụi chú ai cũng gặp rồi. Có khi mới hôm trước được 30 ngàn, hôm sau tụt còn 18. Cả mùa công sức, chi phí giống, phân, công chăm sóc… chỉ mong lời chút ít, vậy mà giá cả cứ như chiếc lá giữa dòng.
Chú Sáu hay nói:
“Làm nông là chịu cực được, chỉ mong giá ổn định, bán có lời, nuôi con ăn học. Chứ kiểu giá sáng một đằng, trưa một nẻo như vầy, đau lòng lắm.”
Cũng có lần, có doanh nghiệp về tận ruộng, ký hợp đồng bao tiêu, giá không cao nhất nhưng cam kết ổn định quanh năm. Bà con mừng húm, ai cũng mong có thêm nhiều doanh nghiệp tử tế như vậy.
“Người trồng sen không mong giàu có, chỉ mong mỗi mùa thu hoạch là một mùa ấm lòng. Giá gương sen – không chỉ là con số, mà là niềm hy vọng, là bữa cơm gia đình, là tiền học của con, là thuốc thang cho cha mẹ”
Sen Đại Việt – Tinh Hoa Sen Việt